Tỉnh Vân Nam là một trong những tỉnh thành Trung Quốc mà quen thuộc với khá nhiều người Việt Nam, bởi lẽ nơi ấy giáp với 4 tỉnh miền Bắc nước ta. Tuy nhiên, nơi đây có vô vàn cảnh đẹp mà những người yêu du lịch nước ta vẫn chưa thật sự khám phá. Thông qua 5 cảnh đẹp dưới đây, chúng ta sẽ hiểu thêm về sự tráng lệ tuyệt vời của cảnh vật hoang dã cũng như những công trình vĩ đại của tỉnh Vân Nam.
1. Hắc Long Đàm ( Đầm Hắc Long ): Hắc Long Đàm là một quần thể đầm nước lớn nằm trong khu vực thung lũng Cô Lộc, thành phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam. Với đường đi hẹp và ngoằn nghèo, 3 thác nước và 18 hồ nước, đầm nước lớn nhỏ, nơi đây không chỉ thu hút du khách bởi sự diễm lệ mà còn vì sự hùng vĩ, có phần bí ẩn của nó. Mỗi đầm nước, mỗi thác nước đều mang vẻ đẹp riêng của mình, chính điều này càng khiến Hắc Long Đàm trở nên hấp dẫn đối với những người ưa thích vẻ đẹp của thiên nhiên. Trong số các thắng cảnh ở đây, thì "Trân Châu Xuyến" ( chuỗi ngọc trai ) là nổi tiếng hơn cả. Nơi đây, sau thác nước có 3 động được hình thành tự nhiên và 1 thác nước mang tên với ý nghĩa "rồng cuộn thân", có vẻ đẹp như nối liền ba hang động lại, tạo thành một "chuỗi ngọc trai" vô cùng tráng lệ.


2. Lệ Giang Cổ Thành:
Lệ Giang Cổ Thành, hay còn gọi là Đại Nghiên Trấn, là một trong hai di tích thành cổ của Trung Quốc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cổ thành này được xây dựng vào cuối thời Nam Tống và đầu triều Nguyên, tọa lạc trên một cao nguyên bên dưới núi tuyết Ngọc Long nổi tiếng. Những công trình kiến trúc nổi tiếng nơi đây bao gồm Mộc Phủ, Vạn Cổ Lầu, Ngũ Phượng Lầu, Phổ Tế tự,...Điều đặc biệt khiến cho Lệ Giang Cổ Thành khác biệt với các tòa thành cổ khác chính là phong cách kiến trúc độc đáo mà chỉ nơi đây có. Kiến trúc của nơi đây mang âm hưởng của sự đa dạng về sắc tộc đặc trưng của tỉnh Vân Nam với sự kết hợp của kiến trúc Hán, Bạch, Di (Lô Lô), Bạch và Nạp Tây.


3. Hổ Khiêu Hiệp ( Hẻm núi hổ nhảy ):
Hổ Khiêu Hiệp là một hẻm núi nằm trong khu vực thành phố Shangri-la, tỉnh Vân Nam, chia làm ba phần Thượng, Trung và Hạ, và được xem là hẻm núi sâu nhất của Trung Quốc. Thượng Hổ Khiêu là nơi hẹp nhất, có một con sông chảy ngang dài khoảng 20 mét, một hòn đá nằm giữa lòng sông cao 13 mét. Tương truyền một con hổ đã dùng hòn đá làm chỗ đệm để nhảy qua dòng sông này, hòn đá ấy từ đó mang tên Hổ Khiêu Thạch ( đá hổ nhảy ) và cái tên Hổ Khiêu Hiệp được đặt theo tên hòn đá ấy. Hạ Hổ Khiêu nằm trên con đường Trà Mã nổi tiếng, còn kết nối với các thành phố Lệ Giang, Shangri-la và các huyện Ngọc Long, Đại Cụ,...Điều này đã khiến nơi đây thành nơi giao thương và giao lưu văn hóa giữa các tộc người Hán, Tạng, Bạch, Nạp Tây, v.v.
4. Tu viện Cát Đan Tùng Tán Lâm:
Tu viện Cát Đan Tùng Tán Lâm, xây dựng vào năm 1679 ở Shangri-la, Vân Nam, là một trong những tu viện quan trọng của Phật giáo Tây Tạng. Nơi đây rộng 30 ha, được xây theo hình vòng cung với năm tầng phía Bắc hướng về phía Nam, và phỏng theo kiến trúc của cung điện Potala ở Tây Tạng. Tầng trên cùng của chánh điện được lợp ngói đồng mạ vàng. Hai bên trái phải chứa kinh sách Tây Tạng, được xưng là "Vạn quyển trù", tạm dịch là "rương chứa vạn ( mười nghìn ) quyển kinh". Toàn bộ kiến trúc có thể chứa đến tổng cộng 1600 người.
5. Cổ thành Độc Khắc Tông ( Dukezong):
Cổ thành Độc Khắc Tông là một di tích cổ được bảo quản tốt của khu vực Shangri-la, tỉnh Vân Nam. Nơi đây là một trạm dừng chân quan trọng của tuyến đường Trà Mã nổi tiếng và là khu vực ngã ba trọng yếu trong việc giao thương và giao lưu văn hóa Hán - Tạng. Chữ Độc Khắc Tông (独克宗 - Dukezong) trong tiếng Tạng nghĩa là Đá trắng, ám chỉ tòa thành này còn có tên gọi là "Nguyệt Quang Thành" ( thành ánh trăng ). Năm Khang Hi thứ 27 ( năm 1688 ), nhà Thanh cho phép Tây Tạng buôn bán với Trung Quốc, cổ thành Độc Khắc Tông trở thành trung tâm giao thương quan trọng của Tây Tạng và Vân Nam.