Tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có lẻ là tỉnh thành khá thân thuộc với người Việt Nam chúng ta khi bản thân nơi này là điểm giáp ranh với 4 tỉnh phía Bắc của nước ta và 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Đà đều bắt nguồn từ đây. Tuy nhiên, ít người biết rằng nơi đây là ngôi nhà của 25 dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, khiến cho nơi này có sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa cao. Điều này được chuyển thể thành một nền ẩm thực đầy sắc màu và sự bí ẩn hấp dẫn khách du lịch tứ xứ. Hãy cùng khám thông qua 5 món ăn dưới đây nhé!
1. Bánh nhồi Lệ Giang Bánh nhồi Lệ Giang là một chiếc bánh được rang trên chảo với màu sắc vàng đậm, hương thơm nức mũi, kết cấu giòn tan. Đây là món bánh ưa thích của dân tộc Nạp Tây (Nakhi) và từng được nhà địa lý Từ Hà Khách viết trong cuốn nhật ký của mình (Từ Hà Khách du ký) khi ông đang trên chuyến hành trình nghiên cứu về địa chất toàn Trung Quốc. Nguyên liệu chính của món này bao gồm bột mì được trồng ở chính vùng Lệ Giang và nước suối trong của núi Ngọc Long. Bánh có thể ăn mặn với nhân thịt hoặc ngọt với nhân mè hoặc bột quả óc chó. Món bánh này cùng với rượu khô Hạc Khánh là 2 món đặc sắc được xuất hiện trong các bài dân ca ở Tây Bắc tỉnh Vân Nam.
2. Cá nướng Nạp Tây
Cá nướng Nạp Tây là một món ăn đặc sản của dân tộc Nạp Tây vùng Hạc Khánh, tỉnh Vân Nam. Món ăn với công đoạn chế biến cầu kỳ và đa dạng nguyên vật liệu khiến cho món ăn có hương vị thơm ngon, đặc sắc và vô cùng hấp dẫn thực khách. Món ăn bắt đầu bằng việc nướng sơ cá, sau đó chiên giòn và cuối cùng là xào với các gia vị như đậu xị, ớt, tần ô, hành lá, gừng tỏi,...để tạo nên một món ăn với hương thơm ngào ngạt, vị cay nhẹ, da giòn và thịt mềm.
3. Món "Đại Cứu Giá"
"Đại Cứu Giá" là một trong những món ăn đặc sắc nhất của tỉnh Vân Nam và món ăn nhẹ này ra đời ở thành phố Đằng Xung. Cái tên "Đại Cứu Giá" đến từ một truyền thuyết về hoàng đế Vĩnh Lịch triều Minh. Tương truyền khi Ngô Tam Quế dẫn quan nhà Thanh tấn công vua ở Côn Minh, Vân Nam, ông chạy vào khu vực mà bây giờ là thành phố Đằng Xung và được một gia đình nông dân ở đó cưu mang. Chủ nhà xào những miếng bánh bột chung với thịt heo, trứng, củ cải, cà chua, tạo thành một món ăn đơn giản nhưng giàu dinh dưỡng, và dâng cho Vĩnh Lịch. Vĩnh Lịch đã thốt lên: "Món này của khanh đã là đại cứu giá đối với trẫm." Từ đó món ăn này mang tên "Đại Cứu Giá". Tháng 9 năm 2018, món này được liệt vào hàng 10 món đặc sắc nhất tỉnh Vân Nam.
4. Lẩu dê núi đen
Trở về với vùng Lệ Giang, chúng ta không ngừng phải thán khán cảnh sông núi hoa mỹ, diễm lệ nơi mà tộc Nạp Tây đã chọn để làm nhà này. Chính vì với độ cao hơn 2500m so với mặt nước biển này mà những con dê núi, đặc biệt là giống dê núi đen (hắc sơn dương) có một chất thịt mềm, mỡ vừa phải, và ít mùi hôi của giống dê thông thường. Người Nạp Tây đã dùng thịt loại dê này để tạo nên một món lẩu nóng hấp dẫn và đầy dinh dưỡng, rất thích hợp để thưởng thức khi ngắm cảnh vật núi này. Vị ngọt của củ cải cùng vị cay nồng và hương thơm đặc biệt của các gia vị, thảo mộc bản địa khiến món ăn này càng thêm hấp dẫn thực khách sau khi trải qua chuyến đi dài với thời tiết lạnh lẽo của vùng núi.
5. Gà hấp nồi đất
Gà hấp nồi đất là một đặc sản của huyện Kiến Thủy, tỉnh Vân Nam. Đây là một món ăn thơm ngon, với hương vị đặc trưng và được cho là một món "y thực đồng nguyên" bởi những nguyên liệu của món đa phần là thảo mộc quý của tỉnh Vân Nam. Cách làm thì đơn giản với nguyên liệu chính là gà được hấp trong chiếc nồi "hơi" làm bằng đất sét cùng với các loại gia vị và thảo mộc. Tuy nhiên, các loại thảo mộc là vô cùng quý hiếm đặc trưng của khu vực miền núi bao gồm: thảo quả, nấm tre (trúc tôn), thiên ma và đông trùng hạ thảo. Chính điều này khiến cho món ăn được cho là có dược tính giúp tăng cường sinh khí, lưu thông khí huyết và những công dụng dưỡng sinh khác.
Viết bình luận