
1. Huyết vịt xào
Huyết vịt xào là một trong những món ăn đặc sắc hàng đầu của khu vực Tương Tây, Hồ Nam, Trung Quốc mà trong đó có Phượng Hoàng Cổ Trấn. Nguyên liệu chính của món ăn đặc biệt này chính là huyết vịt pha cùng gạo nếp và được xào với các gia vị như ớt, gừng và tương đen của người Trung Quốc, hình thành một món ăn đậm hương thơm của thịt vịt, kết cấu mềm dẻo tạo bởi nếp cùng vị cay nồng đặc trưng của khu vực này.
2. Thịt xông khói Tương Tây
Thịt xông khói Tương Tây là một món ăn không thể bỏ qua ở Phượng Hoàng Cổ Trấn. Món ăn này được làm từ thịt lợn chất lượng cao, với những quy định nhất định về kết cấu, tỷ trọng thịt – mỡ,...và những gia vị cùng như loại gỗ xông khói đặc sắc như vỏ cây sơn trà núi. Tất cả các nguyên liệu được kết hợp hòa quyện thông qua 1 quá trình công phu gồm sáu giai đoạn và tạo thành một miếng thịt xông khói đẹp với da vàng, thịt đỏ và mùi thơm đặc sắc cùng với vị mặn thanh đặc trưng.
3. Đậu phụ muối Tang Thực
Đến với Trương Gia Giới, chúng ta sẽ được tiếp xúc với rất nhiều món ăn vặt đặc biệt của khu vực “Tam Tương”, trong đó có “Đậu phụ muối Tang Thực”. Ngoài giá trị về mặt ẩm thực, món ăn này có một giá trị rất lớn về văn hóa và lịch sử. Vào thời kỳ của hoàng đế Hàm Phong nhà Thanh, ngành sản xuất món đậu phụ muối của huyện Tang Thực được phát triển mạnh mẽ và được bán sang khắp các tỉnh miền Nam như Trường Sa, Vũ Hán, Quảng Châu,...và được hoàng đế liệt vào danh sách cống phẩm hàng năm và trở thành món nổi tiếng khắp kinh thành bấy giờ. Nên có thể thấy, hương vị thơm ngon cũng như giá trị dưỡng sinh của món ăn này được các hoàng đế Thanh triều đánh giá rất cao.
4. Xôi bọc bánh quẩy
Nói đến bánh quẩy, người Việt chúng ta thường nghĩ đến món ăn thường dùng trong các món cháo và súp, hoặc như món ăn nổi tiếng của Bắc Kinh, “quẩy chấm sữa đậu nành nóng”. Tuy nhiên, ở Kinh Châu, vùng đất nổi tiếng trong tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, món bánh quẩy lại được làm thành “nhân” của món “xôi bọc bánh quẩy”. Tưởng chừng như món ăn sẽ rất ngậy và gây ngán, nhưng sự kết hợp tài tình của ruốc thịt, mè đen, củ cải cay và bắp cải muối chua khiến cho món ăn trở nên cân bằng hơn với nhiều hương vị đặc sắc hơn.
5. Chả cá Kinh Sa
Chả cá Kinh Sa là một trong tám món nổi tiếng của vùng Sa Thị, Kinh Châu với lịch sử bắt nguồn từ nước Sở thời Xuân Thu – Chiến Quốc hơn 2000 năm trước. Tương truyền, thịt cá làm chả, pha với trứng và các gia vị khác, tạo nên một miếng chả cá trắng sạch, tinh khiết như pha lê, hương thơm khi hấp nức cả gian bếp. Món chả này sau đó trở thành món ăn hoàng cung không thể thiếu trải từ nước Sở cho đến nhà Thanh sau này. Món bánh này được chính phủ Trung Quốc đưa vào danh sách các “di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh”.
Viết bình luận