Tứ Xuyên ( hay còn gọi là Xuyên Thục ) là một vùng đất trù phú, nhưng có địa hình đặc biệt, bốn bề là núi, đường khó ra vào. Tiên thi Lý Bạch trong bài thơ Thục Đạo Nan có viết:
"Thục đạo nan, nan ư thướng thanh thiên"
Tạm dịch: 
"Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh"
Qua câu thơ này, ta có thể hiểu Tứ Xuyên là một khu vực biệt lập đặc trưng, lại nằm ở phía cực Tây của Trung Quốc cổ đại, càng khiến cho văn hóa ở đây trở nên đặc biệt, và sự đặc sắc ấy được truyền tải vào trong ẩm thực nơi này. Là những du khách cảm thấy hứng thú với văn hóa Trung Quốc, hãy cùng tìm hiểu thông qua 5 món ăn dưới đây nhé.

1. Đậu phụ Ma Bà.

      Đậu phụ Ma Bà là cái tên quen thuộc đối với những tín đồ ẩm thực khi nói đến ẩm thực Tứ Xuyên. Món ăn tuy khá đơn giản, bao gồm đậu phụ, thịt và các gia vị như tiêu Tứ Xuyên và ớt đỏ nhưng hơn trăm năm nay lại vô cùng được yêu thích bởi các thực khách. Nguyên nhân là vì món ăn này hội tụ được nguyên lý ẩm thực đặc trưng của vùng Tứ Xuyên, vị cay. Vị cay của Tứ Xuyên rất đặc trưng vì không đơn giản chỉ là cay, mà còn là vị tê nơi đầu lưỡi, vị thơm nồng của tiêu và ớt bản địa. Cái tên "Ma Bà" lại mang một màu sắc lịch sử và truyền thuyết thú vị. Vào năm Đồng Trị thứ nhất, tại bến cầu Vạn Phúc, một quán cơm nhỏ do Trần Ma Bà làm chủ tiếp một vị khách lúc gần tới giờ đóng cửa. Vì vội vàng, mà Trần Ma Bà đã nấu "bừa" ra món ăn này. Từ đó, quán cơm nhà họ Trần của bà nổi tiếng khắp Thành Đô.

 

 

2. Hoành thánh Chung Thủy

      Hoành thánh là một món ăn quen thuộc đối với người Trung Quốc và mỗi vùng miền, mỗi địa phương có một phiên bản biến tấu khác nhau mang đậm chất của thực phẩm vùng ấy. Ở Tứ Xuyên, không ai không biết đến món ăn hoành thánh Chung Thủy mà do gắn liền với bản hiệu cửa tiệm hoành thánh nổi tiếng trên đường Lệ Chi, Thành Đô mà còn được gọi là "Lệ Chi hạng Chung Thủy giảo". Khác với hoành thánh ở những địa phương khác, món ăn này khá mỏng và được ăn chung với một loại xốt dầu ớt đặc biệt, khiến cho món ăn mang đậm chất Xuyên Thục, khiến người thưởng thức khó quên được hương vị.

 

 

3. Bánh bao long nhãn

      Bánh bao lại là một món ăn khá quen thuộc đối với người dân Trung Hoa và Việt Nam. Vì tính tiện lợi cùng giá trị ẩm thực cao mà nhiều vùng miền ở Trung Hoa có rất nhiều kiểu biến tấu khác nhau của bánh bao. Tại Tứ Xuyên có món bánh bao long nhãn rất nổi tiếng. Cái tên "long nhãn" đến từ hình dáng đặc biệt của món ăn, với một lỗ nhỏ nằm trên đầu chiếc bánh màu trắng đã lộ ra phần nhân sẫm màu hấp dẫn, trông như mắt rồng. Bột bánh mềm mịn, thịt heo tươi ngon được trộn với nhiều loại gia vị bản địa đậm sắc Xuyên Thục, nước thịt thơm ngon, nóng hổi cùng hạt dẻ bùi bùi,...Tất cả đã khiến món bánh bao này đã làm xao xuyến rất nhiều thực khi họ đến thăm khu vực Tứ Xuyên.

 

 

4. Đậu hủ chua cay

      Khi nói đến đậu hủ mềm, chúng ta thường nghĩ đến loại đậu hủ nóng được ăn chung với nước đường và đôi khi dùng chung với nước cốt dừa. Tuy nhiên, người Tứ Xuyên lại thích món ăn ấy có vị “chua" và "cay", rất mang chất Xuyên Thục. Nước dùng của họ được làm từ nước tương, giấm và ớt bột, điều này khiến cho món đậu hủ có vị mặn thanh, chua chua, cay cay. Ngoài ra, đậu hủ còn được ăn chung với đậu phộng giòn giòn, giá sống và su hào tươi mát và bên trên có hành lá xanh xanh, cân bằng màu sắc món ăn.

 

 

5. Bánh trôi họ Lại (Lại gia đường viên)

      Kết thúc chuyến "du hí ẩm thực" của chúng ta không thể thiếu một món ăn tráng miệng, ngọt ngào hấp dẫn mà cũng rất quen thuộc với các tín đồ ẩm thực Trung Hoa, bánh trôi ( hay còn gọi là đường viên ). Bánh trôi thì không gì xa lạ trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc, nhưng bánh trôi họ Lại đã trở thành một trong những biểu tượng ẩm thực của Tứ Xuyên. Được sáng tạo bởi ông Lại Nguyên Sâm vào năm 1894, món bánh này đã có lịch sử gần 130 năm. Bởi vì món bánh trôi không gì xa lạ với người Trung Quốc, nên vì để trở nên đặc biệt, Lại tiên sinh đã dành rất nhiều thời gian để tạo ra món bánh trôi đặc biệt thơm với ba đặc điểm lạ thường: "không dính đũa, không dính chén và không dính răng". Chính vì ba điểm này đã khiến món ăn tưởng chừng rất phổ thông đã trở thành đặc sản vùng đất Xuyên Thục.