Bắc Kinh, không chỉ là thủ đô của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hiện tại mà còn là thủ đô của Minh triều và Thanh triều, chịu không chỉ ảnh hưởng của tộc Hán mà còn chịu ảnh hưởng của các tộc Mông Cổ, Nữ Chân mà điển hình là người Mãn. Chính vì vậy mà văn hóa và ẩm thực của thành phố này là vô cùng đặc sắc và hấp dẫn đối với những người yêu du lịch. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu 5 món ăn dưới đây nhé!

 
1. Vịt quay Bắc Kinh:
      Nói đến ẩm thực Bắc Kinh, không thể không nói đến vịt quay Bắc Kinh, một món ăn không chỉ là kinh điển của khu vực kinh đô mà còn nổi tiếng khắp thế giới. Món ăn này ra đời vào thời Nam Bắc triều và được ghi lại trong "Thực Trân Lục" (ghi chép về các món sơn hào hải vị) là món ăn được ưa thích bởi tầng lớp quý tộc. Tới giai đoạn nhà Minh thì món ăn này được phổ biến khắp Bắc Nam và trở thành món ăn biểu tượng cho Bắc Kinh. Với da vịt có màu đỏ nâu hấp dẫn, thịt mềm, vị béo nhưng không ngấy, món ăn này được người Trung Quốc xem là một trong những "mỹ vị thiên hạ".

 
2. Sữa đậu nành chấm quẩy
      Sữa đậu nành và bánh quẩy là hai món ăn quen thuộc đối với người Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên, người Bắc Kinh thì lại...thích dùng bánh quẩy để chấm sữa đậu nành nóng vào bữa sáng. Sữa đậu nành được xem là món cốt yếu ở Bắc Kinh đến nỗi mà những người Bắc Kinh lớn tuổi có một câu nói rằng: "Người Bắc Kinh mà không uống sữa đậu nành thì không tính là người Bắc Kinh chính gốc". Vị béo do dầu của bánh quẩy được trung hòa bởi vị thanh của sữa đậu nành, hương thơm và độ ấm của sữa đậu nành càng khiến món ăn này hấp dẫn nếu thực khách đến thăm phương Bắc lạnh lẽo.

 
3. Dê nhúng Bắc Kinh:
      Món nhúng tái đối với Việt Nam chúng ta không có gì xa lạ, đặc biệt nhất là món bò nhúng giấm. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, Bắc Kinh có một món ăn là dê nhúng tái được rất đông cư dân địa phương yêu thích. Giống với món lẩu, nước dùng của nồi nhúng cũng đầy hương vị với các loại gia vị đặc biệt, nấm cục, đậu phụ, củ cải trắng,...Thịt dê đa phần được ăn tươi sống và vì nhúng không quá lâu nên thịt dê giữ lại được rất nhiều dinh dưỡng và vị tươi ngon.

 
4. Đậu phụ hạnh nhân
      Đậu phụ hạnh nhân vốn dĩ là một món ăn ngọt của tỉnh Giang Tô, tuy nhiên, sau khi xuất hiện trong Mãn Hán toàn tịch và được các hoàng đế nhà Thanh yêu thích, món ăn này trở thành một món yêu thích ở kinh đô. Cái tên đậu phụ hạnh nhân không phải vì món ăn có đậu phụ, mà là khi nấu bột hạnh nhân ngọt chung với nước đường rồi làm lạnh thì đông lại, có kết cấu tựa như đậu phụ nên mới gọi như vậy. Hàm lượng dinh dưỡng trong món ăn này là rất cao vì ngoài hạnh nhân ra thì món ăn còn tinh dầu chuối và thường ăn chung với các loại quả mọng hay cam, quýt.

 
5. Kẹo Hồ Lô
      Khi xem những bộ phim cổ trang ( đặc biệt là những bộ phim sau thời Tống ), chúng ta đều quen thuộc với món kẹo hồ lô ngọt ngào mà những bạn nhỏ thích ăn. Món ăn này bắt nguồn từ thời Tống Quang Tông, hoàng đế có một quý phi sau khi nhập cung thì không muốn ăn gì cả, sức khỏe suy yếu. Một thần y dân gian đã dùng 10 quả táo gai nhúng nước đường cho kẹo lại rồi cho quý phi dùng. Nhờ vậy mà bà có thể ăn uống trở lại được. Món ăn này không chỉ mang giá trị ẩm thực và thẩm mỹ mà còn mang ý nghĩa may mắn, tốt lành với người Trung Quốc do hình tượng tròn tròn với mày đỏ thắm đẹp mắt.